Nhà cửa, vườn thanh long ở Bình Thuận chìm trong biển nước

Lũ đến từ rạng sáng,song đến trưa nước còn bao vây hơn trăm ngôi nhà và hàng chục ha thanh long,cây trồng của người dân thôn Phú Sơn,xã Hàm Mỹ. Tại mô đất cao gần đường 719B,người dân cấp tập khiêng vác tủ lạnh,xe máy,đồ đạc có giá trị trong nhà đưa đi gửi,tránh bị ngâm trong nước hư hỏng.

Nhiều trẻ con và người già cũng được bồng bế,khiêng cõng thoát ra vùng lũ,đưa lên trú tạm ở nhà người thân tại các thôn lân cận trong xã Hàm Mỹ và TP Phan Thiết.

Hàng loạt vườn thanh long ngập trong biển nước

Nhà cửa,thanh long ở thôn Phú Sơn,xã Hàm Mỹ,ngập trong nước lũ,trưa 28/8.

Từ đường 719B nhìn về hướng nam,nước ngập cả khu vực rộng lớn,kéo dài hơn một km. Nhiều vườn thanh long rộng hàng chục ha bị nước dâng lên tới ngọn,nguy cơ chết úng,hỏng cành. Các vườn dừa mới trồng,vườn bưởi và hoa màu của người dân cũng bị ngập cao 0,5-1 m.

Người dân địa phương cho biết nước lũ đầu nguồn (theo kênh và suối) bất ngờ dâng lên từ rạng sáng nay. Khoảng 8h,nhiều ngôi nhà bị ngập nước lên đến cửa sổ. Trưa nay lũ chưa có dấu hiệu rút mà khả năng dâng cao hơn.

Nước bất ngờ tràn vào nhà dân thôn Phú Sơn,sáng 28/8. Ảnh: Việt Quốc

"Mấy chục năm qua ở đây chưa bao giờ xảy ra tình trạng này",ông Lê Văn Phước,70 tuổi,người dân thôn Phú Sơn nói,xót xa khi nhìn "trận lũ lịch sử" gây ngập vườn dừa,bưởi rộng hơn 1.000 m2 của gia đình.

Theo ông Phước,trước đây nước lũ từ đầu nguồn chảy xuống sẽ theo suối và các đường thoát tự nhiên đổ ra hướng Suối Cát tới cuối nguồn ở xã Tiến Lợi (Phan Thiết). Từ khi làm đường 719B,các lối thoái cũ bị chặn lại. Ở nơi nước dồn về nhiều nằm kề tuyến đường chỉ có cống nhỏ,nước không thoát kịp,gây ngập.

Nhiều vườn thanh long bên đường 719B ở xã Hàm Mỹ (huyện Hàm Thuận Nam) bị ngập trong nước lũ,sáng 28/8. Ảnh: Việt Quốc

Dự án đường 719B nối Phan Thiết - Kê Gà dài hơn 25 km,tổng vốn gần 1.000 tỷ đồng,được khởi công tháng 11/2020. Công trình đi qua huyện Hàm Thuận Nam dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2023,nhưng đến nay chưa thể thông suốt do vướng mỏ titan,không thể giao mặt bằng cho nhà thầu.

Cũng có nhà và vườn thanh long nằm cách đường 719B chừng 100 m,chị Đào Thị Bích Thảo cho biết sáng nay nước đột ngột dâng cao gây ngập cả khu vực. Khi lũ dâng cao gần cửa sổ,hai vợ chồng phải cõng ba đứa con nhỏ,rời nhà để đảm bảo an toàn.

"Chưa bao giờ tôi thấy cảnh tượng này. Tủ lạnh và nhiều đồ đạc ngâm trong nước chắc hư hỏng hết",chị Thảo nói.

Ông Hồ Văn Trung,64 tuổi,thôn Phú Sơn,cho biết hơn 200 trụ thanh long và một sào rau dưa đang cho trái bị ngập úng trong nhiều giờ,không cách nào cứu vãn được,thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Người dân di dời xe máy,đồ đạc lên chỗ cao,để tránh bị thiệt hại. Ảnh: Việt Quốc

Bình Thuận có diện tích thanh long lớn nhất nước với khoảng 28.000 ha,sản lượng gần 600.000 tấn mỗi năm,trong đó huyện Hàm Thuận Nam chiếm gần một nửa diện tích lẫn sản lượng. Thanh long dễ thích nghi khô hạn nhưng không chịu được úng. Khi ngập nước lâu,rễ và thân dễ thối rữa,cây nhanh chóng kiệt sức,không còn khả năng hút chất dinh dưỡng.

Ông Nguyễn Văn Dũng,Chủ tịch UBND xã Hàm Mỹ,cho hay chính quyền đang cử lực lượng đến hỗ trợ đưa những người còn kẹt các ngôi nhà bị lũ cô lập đến nơi an toàn. "Chúng tôi ưu tiên đảm bảo an toàn cho người dân trước,hiện chưa thể thống kê thiệt hại",ông Dũng nói.

Việt Quốc