Tranh luận về dự luật an tử ở Anh

Hôm 29/11,Quốc hội Anh đã mở lại Dự luật An tử cho người Mắc bệnh Nan Y. Dự luật cho phép bệnh nhân được hỗ trợ kết thúc cuộc đời nếu có tiên lượng sống dưới 6 tháng. Kết quả bỏ phiếu là 330 thuận và 275 chống. Thủ tướng Keir Starmer nằm trong số những chính trị gia ủng hộ dự luật trên.

Tuy nhiên,điều này không có nghĩa luật an tử đã được thông qua. Phải đến năm sau,chính phủ Anh mới đưa ra quyết định chính thức. Dự luật sẽ được chuyển sang giai đoạn ủy ban,nơi các nghị sĩ có thể đề xuất sửa đổi,sau đó được xem xét kỹ lưỡng và bỏ phiếu tại cả Hạ viện cũng như Thượng viện.

Hiện tại,người dân Anh và Wales không được hỗ trợ an tử,ngay cả khi mắc bệnh nan y. Những người có nguyện vọng thường phải đến các quốc gia nơi điều này được hợp pháp hóa. Tuy nhiên,thủ tục pháp lý và việc di chuyển thường rất phức tạp.

Việc hỗ trợ người khác tự tử được coi là tội ác,có thể bị phạt tù đến 14 năm. Tuy nhiên,theo hướng dẫn từ Cơ quan Công tố,trợ tử vì lý do nhân đạo,người hỗ trợ không được hưởng lợi từ phía bệnh nhân sẽ ít có khả năng bị truy tố hơn.

Dự luật an tử mới làm dấy lên lo ngại các bệnh nhân sẽ bị gia đình hoặc người ngoài tác động,hối thúc chấm dứt sự sống. Nghị sĩ Kim Leadbeater,người đề xuất dự luật,đã tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp bảo vệ bệnh nhân. Tuy nhiên,chuyên gia đặt ra câu hỏi,liệu chúng có hiệu quả trong thực tế.

Theo dự luật,bên cạnh tiên lượng dưới 6 tháng,bệnh nhân muốn an tử phải trên 18 tuổi,sống ở Anh hoặc Wales ít nhất một năm,có đăng ký với bác sĩ gia đình và đủ năng lực tâm thần (có thể hiểu quyết định họ đang đưa ra và cân nhắc được lợi ích,tác hại của nó). Họ cũng phải có mong muốn kết thúc cuộc sống mình một cách rõ ràng,ổn định và sáng suốt,không bị ép buộc.

Bệnh nhân cần thông báo ý định cho bác sĩ. Bác sĩ sẽ thảo luận về triển vọng sống của họ,các phương pháp chữa và điều trị giảm nhẹ có sẵn (cho phép họ tiếp tục sống thoải mái hơn) và quá trình an tử một cách chi tiết.

Sau đó,người bệnh sẽ ký một yêu cầu bằng văn bản về trợ tử được bác sĩ phê duyệt. Việc này cần có người làm chứng. Sau 7 ngày,bác sĩ thứ hai sẽ xác nhận ủy quyền. Nếu bác sĩ này không đồng ý,dự luật cho phép bác sĩ thứ ba ủy quyền quyết định.

Cuối cùng,bệnh nhân cần yêu cầu ủy quyền từ Tòa án cấp cao. Sau khi được cấp,người đó vẫn phải đợi 14 ngày mới có thể ký yêu cầu lần hai và được an tử. Như vậy,người hôn mê sâu hoặc mắc chứng mất trí nhớ sẽ không có quyền yêu cầu trợ tử.

Dự luật quy định người bệnh phải có khả năng tự nuốt thuốc hoặc khởi động thiết bị truyền dịch để an tử. Vì vậy,người bị liệt không nằm trong danh sách đủ điều kiện. Việc hạn chế sử dụng thuốc an thần trong toàn bộ quá trình cũng có thể khiến bệnh nhân đau khổ trước khi qua đời.

Người dân biểu tình ủng hộ quyền an tử tại London. Ảnh: Carl Court

Khó áp dụng vào thực tế

Theo tiến sĩ Kevin De Sabbata,giảng viên chuyên ngành Luật,Đại học Keele,những biện pháp bảo vệ người bệnh khó áp dụng trong thực tế,tạo khả năng lạm dụng hoặc sai sót. Việc xác định tiên lượng của bệnh nhân có thể rất khó khăn và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Cũng khó đảm bảo một người thực sự có năng lực tâm thần,đặc biệt nếu họ ở trạng thái sợ hãi hoặc trầm cảm vì bệnh tật.

Áp lực đối với dịch vụ y tế đôi khi ảnh hưởng đến thời gian và tâm lý bác sĩ khi thảo luận với bệnh nhân về toàn bộ quá trình an tử cũng như những chi tiết phức tạp liên quan. Dự luật không yêu cầu có sự can thiệp của bác sĩ tâm lý,các tổ chức hỗ trợ bệnh nhân hoặc chuyên gia. Dự luật cũng quy định,cuộc thảo luận chỉ tập trung vào điều kiện để được trợ tử,hơn là việc tư vấn liệu lựa chọn đó có tốt nhất đối với bệnh nhân hay không.

Tiến sĩ Abigail Pearson,Đại học Keele nhận định,thời gian chờ đợi giữa các bước khác nhau không đủ dài. Bệnh nhân chưa thể bình tĩnh suy ngẫm về quyết định.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện,ở một số quốc gia,bệnh nhân yêu cầu trợ tử do áp lực xã hội,chẳng hạn như thiếu chăm sóc,điều trị giảm nhẹ,họ có tâm lý cô đơn và sợ trở thành gánh nặng cho người khác.

Tiến sĩ Dunja Begović,giảng viên chuyên ngành Luật Y tế và Nhân đạo,Đại học Keele lo ngại,nếu quan điểm tiêu cực về bệnh tật chiếm ưu thế,các biện pháp bảo vệ sức khỏe sẽ bị xói mòn. Bệnh nhân bị đặt vào vòng xoáy tự vấn "Tại sao tôi cần tiếp tục sống?",thay vì nhận định quyền được sống như điều hiển nhiên. Dự luật hiện hành không đề cập đến những vấn đề này.

Để bảo vệ sự lựa chọn và phẩm giá của bệnh nhân,các chuyên gia nhận định các nhà lập pháp không nên chỉ tập trung vào "cách thức" thực hiện quyền an tử. Họ cần chú ý đến lý do bệnh nhân muốn an tử.

"Nếu không làm được điều này,luật an tử có nguy cơ gây tổn hại cho bệnh nhân và vẫn không giải quyết được các vấn đề vốn có",tiến sĩ Begović nói.

Thục Linh (Theo Conversation,Daily Mail)