Ngộ độc rượu - mối nguy chết người

Hồi tháng 7,năm người có biểu hiện ngộ độc cồn methanol,trong đó một trường hợp tử vong ngoại viện sau khi uống rượu tại đám cưới ở huyện Thường Tín,Hà Nội. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đầu,nhìn mờ,nhiễm toan chuyển hóa rất nặng,nồng độ methanol trong máu rất cao. Kết quả xét nghiệm mẫu rượu cho thấy nồng độ cồn công nghiệp methanol là 34%.

Gần đây là 4 người ở Vũng Tàu phải cấp cứu,nghi do ngộ độc rượu. Nhóm người đến ăn bánh canh cá lóc và uống hết 4 chai (loại 500 ml/chai) rượu không màu. Nhà chức trách test (kiểm tra) nhanh mẫu rượu còn lại tại quán bánh canh,kết quả dương tính với methanol.

Trên thế giới,5 du khách thiệt mạng liên tiếp tại Lào hồi tháng 11,nghi do ngộ độc methanol sau uống rượu.

Nguyên nhân ngộ độc rượu

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên,Trung tâm Chống độc,Bệnh viện Bạch Mai cho biết ngộ độc rượu xảy ra khi một người uống quá nhiều rượu ethanol trong thời gian ngắn,lạm dụng rượu thời gian dài; hoặc uống rượu kém chất lượng có chứa độc chất methanol (cồn công nghiệp).

Trong đó,ngộ độc cồn công nghiệp methanol thường xảy ra khi người dân mua rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ,hoặc nguồn gốc bị làm giả,không được cơ quan chức năng kiểm soát. Một số khác do mua cồn sát trùng (cồn y tế) về pha với nước thành rượu uống,tuy nhiên chai cồn sát trùng này vô tình bị pha trộn methanol. Rượu này có tốc độ chuyển hóa,đào thải rất chậm,có khi tới 7-8 ngày sau uống,chất này vẫn có thể tồn tại trong máu. Methanol khi vào người được cơ thể chuyển thành axit formic,là chất độc hơn methanol rất nhiều,gây ngộ độc,tổn thương mắt,thần kinh.

Một số yếu tố tác động khác bao gồm sức khỏe tổng thể,khả năng chịu đựng rượu,thực phẩm tiêu thụ trước khi uống,thuốc đang dùng,cách uống nhanh hay chậm,nồng độ từng loại rượu.

Dấu hiệu ngộ độc rượu

Ngộ độc rượu có hai dạng là ngộ độc rượu thông thường (ethanol) và ngộ độc cồn công nghiệp methanol. Trường hợp ngộ độc rượu thông thường,ban đầu người uống có cảm giác hưng phấn,kích thích nhẹ,sau đó dấu hiệu ngộ độc nặng lên như triệu chứng kích thích thần kinh,hạ đường huyết,tụt huyết áp,hạ thân nhiệt,thậm chí suy hô hấp,hôn mê sâu. Nặng nhất,người bệnh tử vong do không thể thở,tổn thương não. Một số trường hợp do di chứng hôn mê thời gian dài gây hỏng cơ,suy thận,mất nước cũng không thể cứu chữa.

Trường hợp ngộ độc methanol,khi mới uống thường có biểu hiện loạng choạng,hoa mắt giống hệt cảm giác say rượu khiến nhiều người lầm tưởng là say. Sau 1-2 ngày,chất độc bắt đầu chuyển hóa,bệnh nhân mờ mắt,lơ mơ,thở nhanh do rối loạn axit máu,co giật,hôn mê. Các biểu hiện khác là da,môi,móng tay tím tái hoặc nhợt,lạnh; đại tiện,tiểu tiện ra quần,đái ít (lượng nước tiểu ít hơn bình thường),rối loạn cảm nhận về màu sắc,nôn nhiều. Khi đã ngộ độc methanol,bệnh nhân đều có di chứng rất nặng,nguy cơ tử vong cao.

Các chuyên gia nhìn nhận phân biệt rượu ethanol mà methanol rất khó bởi chúng giống nhau,cảm giác của người uống cũng giống với say rượu. Hiện các sản phẩm cồn công nghiệp methanol được đóng chai với mẫu mã,hình thức,nhãn dán giống hệt cồn y tế,thậm chí bị trà trộn,bán tại các hiệu thuốc.

Chẩn đoán và xử trí ngộ độc rượu

Chẩn đoán ngộ độc rượu dựa trên các triệu chứng,xét nghiệm máu và nước tiểu để kiểm tra nồng độ cồn. Người bệnh có thể được rửa dạ dày khi xác định ngộ độc rượu,cung cấp chất lỏng và oxy,loại bỏ độc tố khỏi máu.

Khi thấy người có dấu hiệu ngộ độc rượu,nên nhanh chóng gọi cấp cứu. Trong lúc đó,giữ họ ngồi thẳng,cho uống nước nếu còn tỉnh,che bằng chăn hoặc áo lạnh tránh gió. Trường hợp người ngộ độc bất tỉnh,đặt nằm nghiêng tránh nôn mửa dẫn đến nghẹn. Ngoài ra,không nên cho người ngộ độc tắm nước lạnh dễ làm giảm thân nhiệt,không cho ăn tránh nghẹt thở,không cho đi lại.

Rượu bia là thức uống không có lợi cho sức khỏe,nguyên nhân trực tiếp gây nên hơn 30 bệnh lây nhiễm và 200 bệnh tật khác. Ảnh: Henryford

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng,Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga,Bộ Quốc phòng,cho biết lạm dụng rượu bia không chỉ nguy cơ ngộ độc mà còn dẫn đến những hậu quả nguy hiểm như: Suy giảm chức năng gan,xơ gan,ung thư gan; rối loạn chuyển hóa,tăng nguy cơ mắc tiểu đường,xơ vữa mạch máu,từ đó dẫn tới các bệnh tim mạch,đột quỵ hay nhồi máu cơ tim.

Rượu bia còn kích thích hệ thần kinh,làm suy giảm trí nhớ và khả năng tư duy của não bộ,loạn thần. Ngoài ra,rượu bia còn gây rối loạn tiêu hóa,ung thư (thực quản,dạ dày,đại tràng...),suy giảm khả năng miễn dịch,từ đó dễ mắc bệnh.

Các chuyên gia khuyến cáo mỗi ngày nam giới không nên uống quá 720 ml bia hoặc 300 ml rượu vang hoặc 60 ml rượu whisky. Đối với nữ giới,mỗi ngày không nên uống quá 360 ml bia hoặc 150 ml rượu vang hay 30 ml rượu whisky. Tránh sử dụng các loại đồ uống chứa cồn không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nhìn chung,việc sử dụng đồ uống có cồn không tốt,dù tiêu thụ trong mức được khuyến cáo,vì vậy bạn nên hạn chế.

Thúy Quỳnh