Thái Lan cấm nhập khẩu rác nhựa từ ngày 1/1 năm nay,ngăn quốc gia này trở thành bãi rác nhựa toàn cầu. Đây là nỗ lực của Mạng lưới công dân chống rác nhựa từ năm 2021,với sự ủng hộ của 108 tổ chức xã hội dân sự và 32.000 người dân ký vào bản kiến nghị trực tuyến.
Chính sách này là một bước tiến lớn nhưng còn nhiều việc phải làm,theo ông Punyathorn Jeungsmarn,một nhà nghiên cứu tại Quỹ ông bằng môi trường. "Luật hiện hành không đề cập đến việc cấm vận chuyển rác nhựa,nghĩa là Thái Lan có thể được sử dụng như điểm trung chuyển loại rác này đến các nước láng giềng. Chính phủ Thái Lan cần cảnh giác với điều này",ông Punyathorn nói.
Một người phụ nữ tại nhà máy tái chế ở Bangkok,Thái Lan,ngày 11/5/2020. Ảnh: Reuters
Lịch sử cho thấy những lệnh cấm tương tự thường chỉ đẩy lùi vấn đề thay vì giải quyết,chuyển hướng dòng chất thải sang các quốc gia khác,theo Tổ chức điều tra môi trường (EIA). Các quốc gia bị chuyển hướng dòng thải sẽ không đủ khả năng xử lý khối lượng nhựa gia tăng hoặc khủng hoảng về môi trường và sức khỏe đi kèm.
Thực tế,khi Trung Quốc cấm nhập rác nhựa vào 2018,Thái Lan đã trở thành điểm đến hàng đầu cho phế liệu này từ châu Âu,Mỹ,Vương quốc Anh và Nhật Bản. Giai đoạn 2018 – 2021,nước này đã nhập hơn 1,1 triệu tấn. Nhật Bản là một trong những nước xuất khẩu rác nhựa lớn nhất sang quốc gia Đông Nam Á này,với 50.000 tấn vào 2023.
Quản lý nhập khẩu nhựa khá lỏng lẻo tại Thái Lan. Nhiều nhà máy đốt rác thải thay vì tái chế,ảnh hưởng tới sức khỏe con người,môi trường,cũng như sinh kế của những người thu gom rác thải quy mô nhỏ.
Để giải quyết cuộc khủng hoảng này,bà Amy Youngman,chuyên gia pháp lý và chính sách của Tổ chức điều tra môi trường cho rằng thế giới cần một hiệp ước nhựa toàn cầu có tính ràng buộc pháp lý. Trong đó,cần ràng buộc trách nhiệm của các nhà sản xuất và quốc gia tạo rác thải lớn nhất. "Họ phải chịu trách nhiệm về rác thải của mình ở trong nước,thay vì giải quyết dưới chiêu bài tái chế",bà Amy nói.
Một dự thảo về hiệp ước nhựa toàn cầu đã nêu các cam kết ràng buộc pháp lý về cắt giảm sản xuất nhựa trên toàn thế giới (đang ở mức hơn 400 triệu tấn mỗi năm) và loại bỏ dần một số hóa chất và sản phẩm nhựa dùng một lần. Tuy nhiên,tại cuộc họp ở Busan (Hàn Quốc) cuối năm ngoái,hơn 100 quốc gia đã không thống nhất được nội dung cuối cùng của hiệp ước này,do các nước sản xuất dầu mỏ từ chối giảm sản lượng.
Việc không thống nhất được một hiệp ước chấm dứt ô nhiễm nhựa là mối đe dọa với sức khỏe con người,theo Giáo sư Steve Fletcher,Giám đốc Viện Nhựa cách mạng tại đại học Portsmouth,nói. Hiện chưa có thời gian cụ thể cho vòng đàm phán tiếp theo về hiệp ước trên.
Bảo Bảo (theo The Guardian,EIA International)