Cựu phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP HCM 'vụ lợi khi duyệt dự án'

Từ ngày 15 đến 17/1,bà Minh và ông Phan Tất Thắng,cựu phó phòng Kinh tế,bị TAND TP HCM xét xử về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) và các đơn vị liên quan.

11 người khác,trong đó có ông Ngô Võ Kế Thành,cựu giám đốc Trung tâm R&D; Đinh Minh Hiệp,cựu trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP HCM; Hoàng Minh Bá,Giám đốc Công ty T.S.T. bị truy tố về tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Có 24 luật sư tham gia phiên tòa. Trung tâm R&D thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM được xác định là bị hại trong vụ án; 77 người có quyền lợi,nghĩa vụ liên quan.

Đây là vụ án thứ hai bà Minh và ông Thắng bị truy tố về cùng hành vi. Trước đó,ở vụ án xảy ra tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM,bà Minh bị tuyên 7 năm 6 tháng tù; ông Thắng 4 năm 6 tháng tù.

Bà Trần Thị Bình Minh tại phiên tòa của vụ án thứ nhất,hồi tháng 7 ở TP HCM. Ảnh: Hải Duyên

Trung tâm R&D là đơn vị sự nghiệp nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cao,trực thuộc Ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM. Dự án Nấm và dự án Mems thuộc nhóm B,được UBND TP HCM phân cấp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định,phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu,dự toán.

Bà Minh khi đó là Phó giám đốc Sở,được phân công phụ trách lĩnh vực đầu tư công nghệ cao. Cấp dưới chịu trách nhiệm tham mưu cho bà Minh là ông Thắng.

Cuối năm 2016,quá trình tham gia dự thầu các gói mua sắm thiết bị cho hai dự án trên,Giám đốc T.S.T. Hoàng Minh Bá đã tư vấn và thống nhất với Giám đốc Trung tâm R&D Ngô Võ Kế Thành về các thiết bị cần mua sắm và giá dự toán.

Tuy nhiên,khi chuyển hồ sơ xin duyệt dự án cho Phòng Kinh tế,Sở Kế hoạch và đầu tư lập báo cáo thẩm định và trình lãnh đạo thì bà Minh không đồng ý.

Nhà chức trách xác định,tận dụng mối quan hệ từ trước,ông Bá đến phòng làm việc của Thắng nói về việc công ty của mình "đã được chủ đầu tư lựa chọn" là đơn vị cung cấp thiết bị,nhờ giúp đỡ để dự án sớm được phê duyệt. Thời điểm này là vào dịp Tết năm 2017,Bá đã đến phòng làm việc của bà Minh gửi biếu 200 triệu đồng và đặt vấn đề hỗ trợ thực hiện hai dự án.

Sau cuộc gặp,bà Minh đã chỉ đạo Thắng đẩy nhanh tiến độ thẩm định,trình phê duyệt 2 dự án này. Do hai chứng thư thẩm định của hai dự án đều quá hạn,không được định giá lại theo giá thị trường để đảm bảo khách quan về giá,bà Minh đã chỉ đạo Thắng chỉnh sửa thời gian chứng thư thẩm định trong báo cáo trình duyệt. Phó giám đốc này đã ký duyệt trước,sau đó mới yêu cầu Thắng và chủ đầu tư hợp thức sau.

Hai dự án được phê duyệt năm 2017,đến 2018 mới được phân bổ vốn. Theo quy định,trước khi đấu thầu các dự án phải lập lại dự toán làm căn cứ xác định giá gói thầu,nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ yêu cầu các chủ đầu tư triển khai gói thầu tư vấn lập dự toán và tư vấn thẩm tra dự toán.

Kết quả tư vấn lập dự toán và tư vấn thẩm tra dự toán của dự án Mems được lập trên cơ sở các bảng chào giá không có ngày tháng. Còn dự án Nấm được các đơn vị tư vấn thực hiện không có thủ tục chỉ định thầu.

Bị can Phan Tất Thắng (trái) và Hoàng Minh Bá lúc bị bắt. Ảnh: Bộ Công an

Cáo trạng cho rằng,bà Minh và ông Thắng vì vụ lợi đã cố ý làm trái công vụ trong việc phê duyệt dự án và kế hoạch lựa chọn nhà thầu,phê duyệt dự toán trên cơ sở hồ sơ tài liệu không đúng quy trình,thủ tục. Hành vi của các bị cáo tạo điều kiện cho T.S.T trúng thầu theo danh mục và giá thiết bị đã được thỏa thuận từ trước.

Trang thiết bị của dự án Mems hơn 66,9 tỷ đồng,trong khi T.S.T trúng thầu với giá 73,11 tỷ; dự án Nấm hơn 53,1 tỷ và T.S.T trúng thầu hơn 86,4 tỷ. Hành vi của bà Minh cùng các bị can liên quan đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 39,4 tỷ đồng.

Sau khi trúng thầu,Bá đã nhiều lần cảm ơn bà Minh thêm 800 triệu đồng; Thắng nhận 350 triệu đồng; ông Thành nhận tổng cộng 2,5 tỷ đồng.

Quá trình điều tra các bị can đã nộp khắc phục hậu quả gần 5 tỷ đồng,trong đó bà Minh nộp lại hơn một tỷ.

Hải Duyên