Biểu tình phản đối ông Trump can thiệp vào các đại học Mỹ

Các cuộc biểu tình trong chiến dịch "Tuần hành vì quyền học thuật" ngày 17/4 diễn ra tại 150 đại học,cao đẳng trên khắp nước Mỹ,nhằm phản đối chính quyền Tổng thống Donald Trump đang can thiệp vào chính sách quản lý,giảng dạy của các cơ sở giáo dục bậc cao.

Trong khuôn viên Đại học Berkeley ở Berkeley,California,hàng trăm sinh viên,giảng viên và thành viên cộng đồng tập hợp,vẫy cờ Mỹ và mang theo các biểu ngữ như "Giáo dục mang lại lợi ích cho cộng đồng" và "Đừng động vào quyền tự do ngôn luận của chúng tôi".

Ở thành phố New York,hàng trăm người biểu tình tuần hành từ công viên Quảng trường Washington đến Tòa án Tối cao New York,giơ biểu ngữ "Phản đối hận thù","Đừng động vào các đại học của chúng tôi".

Người biểu tình cho biết đang phản ứng quyết định cắt giảm ngân sách cho các trường đại học cũng như phản đối chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gây áp lực với những người ủng hộ Palestine.

Sinh viên,giảng viên tham gia cuộc biểu tình "Đứng lên vì du học sinh" trong khuôn viên Đại học Berkeley ở Berkeley,California ngày 17/4. Ảnh: Reuters

Youngmin Seo,giảng viên trường đại học Cộng đồng LaGuardia ở New York,tham gia biểu tình vì sinh viên và hai con.

"Nếu không được tự do tư duy và sáng tạo,chúng ta sẽ không có tương lai",người đàn ông 63 tuổi nói.

Nhà Trắng không trả lời yêu cầu bình luận.

Biểu tình cũng diễn ra tại đại học Yale vào sáng cùng ngày. Chiến dịch do Liên minh Hành động vì giáo dục đại học và Hiệp hội giáo sư đại học Mỹ tổ chức.

Ngày 17/4 trùng với ngày kỷ niệm sinh viên Đại học Columbia lần đầu cắm trại trong khuôn viên trường nhằm bày tỏ ủng hộ người Palestine và phản đối chiến sự ở Dải Gaza hồi năm ngoái,sự kiện thúc đẩy phong trào biểu tình trên khắp các cơ sở giáo dục Mỹ.

Người biểu tình cầm biểu ngữ đề chữ "Bảo vệ tự do học thuật" bên ngoài Đại học Columbia ngày 17/4. Ảnh: AP

Chính quyền ông Trump gần đây chỉ trích các đại học không bảo vệ được sinh viên Do Thái và có chính sách "bài Do Thái". Bộ Giáo dục Mỹ đã gây sức ép bằng cách dừng tài trợ hoặc cắt ngân sách dài cho Đại học Columbia,Harvard và nhiều trường khác.

Đại học Columbia đã chấp nhận thực hiện các yêu cầu cải cách của chính quyền ông Trump nhằm được tiếp tục cấp khoản tài trợ 400 triệu USD. Trường này ban hành quy định cấm đeo khẩu trang trong khuôn viên,cho phép cảnh sát bắt sinh viên trong trường và tăng giám sát khoa Nghiên cứu Trung Đông,Nam Á và châu Phi cũng như Trung tâm Nghiên cứu Palestine.

Sau Đại học Columbia,Nhóm liên ngành Chống tư tưởng bài xích Do Thái (JTFCAS) thuộc Bộ Giáo dục Mỹ đã nhắm tới các đại học khác,trong đó có Harvard.

Chính quyền Tổng thống Trump cũng đã bắt một số sinh viên tham gia biểu tình ủng hộ Palestine,trong đó có Mahmoud Khalil của Đại học Columbia,đồng thời thu hồi thị thực của một số sinh viên ngoại quốc mà không nêu lý do.

Sau thời gian xem xét,JTFCAS yêu cầu Harvard tiến hành loạt cải cách như ngăn sinh viên biểu tình,điều chỉnh cơ cấu quản trị và ban lãnh đạo,đổi mới quy trình tuyển sinh và chấm dứt các chương trình "Đa dạng,Công bằng và Hòa nhập" (DEI).

Tuy nhiên,Harvard đã từ chối thực hiện nhiều yêu cầu của chính quyền,cho rằng đây là hành vi can thiệp vào tự do học thuật. Để đáp trả,chính quyền ông Trump đã cắt các khoản tài trợ trị giá gần 2,5 tỷ USD cho trường này,đồng thời đe dọa sẽ tước quyền miễn thuế của trường.

Biểu tình tại quảng trường Foley,New York,ngày 17/4. Ảnh: AP

Jen Gaboury,phó chủ tịch công đoàn đại diện cho giáo viên đại học Thành phố New York,cho biết cuộc biểu tình ngày 17/4 là động thái cùng nhau đứng lên đầu tiên của các trường đại học để phản đối các chính sách gần đây của Nhà Trắng.

"Chúng tôi phải đảm bảo những gì Đại học Columbia đã làm không phải điều mà những người khác sẽ làm",Gaboury,người cũng là giảng viên tại đại học Hunter ở New York,bày tỏ.

Hồng Hạnh (Theo WSJ,AP)